Chị Bùi Thị Hồng Thu (ngoài cùng, bên trái) cùng nông dân sản xuất hữu cơ xã Đại Thắng (Đại Lộc). Ảnh: HOÀNG LIÊN
Dấn thân làm nông nghiệp hữu cơ
Thời gian đầu quyết định về quê, chị Bùi Thị Hồng Thu từng loay hoay với nhiều công việc khác nhau trước khi khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, Công ty TNHH Thực phẩm NOOM (Thăng Bình) của chị Thu ngày càng lớn mạnh với nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu dùng xanh.
Chị Hồng Thu chia sẻ, canh tác hữu cơ là quay về với nền nông nghiệp tự nhiên. Tất nhiên không phải làm theo kiểu cứng nhắc mọi thứ đều phải làm bằng tay, mà đơn giản đó là sự hài hòa với tự nhiên - “Back to basic” (trở lại với những điều cơ bản hay đơn giản hóa).
“Suốt 13 năm làm NOOM, từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ, tôi luôn tìm mọi cách để sự nghiệp này được bền vững chứ không phải để phát triển. Sản xuất nông nghiệp bắt buộc thuận tự nhiên vì bản chất nông nghiệp phụ thuộc 80% vào thời tiết, đất đai. Mình phải ứng dụng uyển chuyển, nương tựa vào các đặc tính độc đáo của vùng đất mà mình đang sống và canh tác thì mới thuận lợi, mới có thu hoạch” - chị Hồng Thu chia sẻ.
Sản phẩm nước tương sạch mang thương hiệu NOOM. Ảnh: BÍCH LIÊN
Với quyết tâm tạo ra các chuỗi tiêu dùng xanh, chị Bùi Thị Hồng Thu đã tới xã Đại Thắng (Đại Lộc), Nông Sơn, Quế Sơn và các huyện miền núi Quảng Nam làm việc với chính quyền, người dân bản địa, xây dựng nền móng vững chắc cho mô hình nông nghiệp hữu cơ. Để từ đó, những chuỗi sản phẩm đường mía thô, dầu phụng, dầu mè, nhang sạch, thịt heo sạch, xà bông thiên nhiên... với hàng trăm sản phẩm các loại ra đời.
“Tôi nhìn thấy đoạn đứt gãy niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm cách đây 13 năm và tới nay, đó vẫn là vấn đề của nông nghiệp. Nông dân trách người tiêu dùng nhiều đòi hỏi. Ngược lại, người tiêu dùng trách nông dân đánh mất lương tâm, làm điều xằng bậy. Không ai có lỗi cả. Chúng ta đã mất kết nối với nhau, với tự nhiên, không hiểu nhau ngay tại khâu mua - bán thực phẩm. NOOM xác định không vội vã bởi khi chúng ta nhìn thấy vấn đề, rõ nguyên nhân thì giải pháp cũng đã sẵn sàng ở đó” - chị Hồng Thu tâm sự.
Sau mười mấy năm xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng xanh, Noom đã được đền đáp xứng đáng khi đã đón nhận hàng loạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hữu cơ JAS, EU, hữu cơ USDA… Hàng trăm sản phẩm mang thương hiệu NOOM đã có mặt tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm xanh.
Hướng đi bền vững
Năm 2024, trang trại liên kết canh tác Xuân Nam (thôn Xuân Nam cũ, nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng, Đại Lộc) đã được chứng nhận hữu cơ quốc tế Mỹ, Liên minh EU, Nhật Bản. Đây là tin vui đối với người sản xuất (nông dân), doanh nghiệp (Công ty NOOM) lẫn người tiêu dùng khi có một doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung vinh dự được cấp chứng nhận quốc tế về trang trại hữu cơ.
Sản phẩm của NOOM trên các kênh bán hàng hiện đại. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trang trại này ra đời trên cơ sở chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa Công ty TNHH Thực phẩm NOOM, chính quyền xã Đại Thắng, người dân thôn Xuân Nam (cũ), xã Đại Thắng.
Nhiều năm qua, công ty và người dân triển khai liên kết sản xuất cây mè đen, cây đậu phụng hữu cơ, an toàn, không hóa chất, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Đến nay, hơn 20 hộ dân thôn Xuân Nam (cũ) rất phấn khởi khi được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm đậu phụng sạch và mè sạch với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường.
Vùng sản xuất hữu cơ tại Xuân Nam hiện rộng 6,7ha nhằm tạo chuỗi sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Quy trình canh tác, nguyên liệu, các khâu sản xuất, chế biến thành phẩm đều được hệ thống camera giám sát... Với chị Hồng Thu, đó là những “quả ngọt”.
Theo chị Bùi Thị Hồng Thu, để sử dụng các sản phẩm tự nhiên, bạn cần bỏ thời gian nghiên cứu chính mình, trải nghiệm, quan sát chính mình. “Ở góc độ doanh nghiệp, tôi vẫn ổn sau 13 năm hoạt động và NOOM đã từng bước vững vàng hơn. Chúng tôi muốn tạo ra một giá trị khác biệt, kế thừa những tinh túy của cha ông để lại nhưng áp dụng công nghệ quản lý, giám sát thông minh nhằm đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng” - chị Hồng Thu nói.
Còn nhớ năm 2016, một cô gái nông dân chân chất đã lặn lội tìm đến với mảnh đất Xuân Nam đặt vấn đề làm nông nghiệp hữu cơ. Thời điểm đó, “hữu cơ” vẫn còn khá xa lạ. Bản thân chị Hồng Thu đã sát cánh, là một nông dân thực thụ. Năm 2019, sau mấy năm cải tạo, phục hồi đất, những lô đậu phụng, mè đen an toàn được thu hoạch, rồi những mẻ dầu phụng, dầu mè an toàn ra đời.
“Để 100% hộ dân nhận thức rõ và cam kết làm nông nghiệp hữu cơ, thì phải tính từ mốc năm 2020 trở đi. Năm 2024, những nỗ lực của công ty và người dân được đền đáp khi trang trại Xuân Nam được chứng nhận trang trại hữu cơ. Chúng tôi vui mừng khi nông dân đã thuần thục kỹ năng làm nông nghiệp hữu cơ, thậm chí cho tới cả bữa ăn hằng ngày của mình, tiêu chuẩn sạch được đặt lên hàng đầu” - chị Thu phấn khởi nói.
Theo Bao Quảng Nam - Bích Liên