Chưa đảm bảo điều kiện hoạt động
Theo ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc, trên địa bàn còn hơn 100 hộ gia đình tham gia hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Lượng gia súc giết mổ ngày đêm khoảng 350-400 con lợn, 20 con trâu bò và số lượng lớn gia cầm, thủy cầm được giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình gần các chợ vẫn chưa thống kê được.
Hiện, Đại Lộc đã xây dựng 3 điểm giết mổ tập trung tại 3 địa phương: thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Lãnh và Đại Thắng. Trong 3 cơ sở được hỗ trợ 300 triệu đồng để nâng cấp sửa chữa thì chỉ có cơ sở của xã Đại Lãnh đáp ứng các điều kiện khoảng cách; 2 cơ sở còn lại không đạt quy chuẩn về khoảng cách.
Công suất của 2 cơ sở giết mổ tại Đại Thắng và thị trấn Ái Nghĩa hiện nay không đáp ứng yêu cầu giết mổ, đặc biệt là Ái Nghĩa (công suất tối đa 200 con lợn/ngày đêm) phục vụ các xã vùng C. Theo khảo sát, mỗi ngày, cơ sở giết mổ thị trấn Ái Nghĩa có số lượng 80-100 con lợn/ngày đêm; Đại Thắng khoảng 4-5 con lợn/ngày đêm.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tồn tại trong công tác quản lý, kiểm soát giết mổ hiện nay là trên địa bàn có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, phân tán đều ở các xã, việc giết mổ không đảm bảo quy trình, quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Hầu hết, các điểm giết mổ gia cầm (với cả gia súc) đều thực hiện tại nhà hoặc chợ, không đảm bảo các quy định. Sự phối hợp giữa các ngành của huyện và UBND các xã/thị trấn trong quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa đồng bộ. Việc xử lý vi phạm hành chính trong công tác thú y về kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm chưa quyết liệt.
"Nhìn chung, số cơ sở giết mổ còn nhỏ lẻ, thủ công, tồn tại trong các khu dân cư, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Công tác quản lý, kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn lơ là, việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ "chui" chưa được rốt ráo; trong khi xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm... chưa triệt để" - ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết.
Siết chặt quản lý
Mới đây, UBND huyện Đại Lộc đã có công văn chỉ đạo triển khai phương án sắp xếp lại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và quản lý, kiểm soát giết mổ động vật tập trung trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2026. Theo đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực vận động các chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện theo quy định dừng hoạt động giết mổ.
Khuyến cáo người dân có nhu cầu giết mổ cần chủ động liên hệ các cơ sở giết mổ động vật tập trung hiện có như: HTX thị trấn Ái Nghĩa, HTX Đại Thắng, HTX Đại Lãnh để đăng ký đưa gia súc vào cơ sở giết mổ tập trung.
Chính quyền huyện cũng chỉ đạo tổ chức thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra 100% đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Tiến hành làm việc với các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường, ký cam kết không tiếp tục thực hiện giết mổ tại hộ gia đình. Cạnh đó, xử lý nghiêm đối với các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường không chấp hành quy định pháp luật. Thành lập Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện và các tổ công tác liên ngành cấp xã kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ và sản phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường.
Riêng đối với thị trấn Ái Nghĩa, các xã Đại Thắng, Đại Lãnh, ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay, UBND huyện đang chỉ đạo tiến hành kiểm tra nâng cấp sửa chữa từ nguồn hỗ trợ 300 triệu đồng cho các cơ sở giết mổ năm 2023. Yêu cầu các cơ sở tập trung hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giết mổ và kiểm soát giết mổ.
Theo Báo Quảng Nam - Bích Liên