Hội nghị nhằm tổng kết công tác bê tông hóa GTNT năm 2010 và triển khai thực hiện 03 chương trình lớn của năm 2011 là: Kế hoạch bê tông hóa GTNT năm 2011; công tác quản lý bảo trì, đường bộ và triển khai phương án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Về kế hoạch bê tông hóa GTNT: Trong năm 2010, với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 4,73 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,55 tỷ đồng, kết hợp huy động đóng góp của nhân dân 2,37 tỷ đồng, toàn huyện đã xây dựng được 21,96 Km đường GTNT, vượt so với kế hoạch tỉnh giao là 0,55 Km. Với kết quả này đã nâng tổng số Km đường bê tông và đường nhựa GTNT trên toàn huyện lên 322,33Km trên tổng 671,95Km đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, giao thông đi lại và giao lưu hàng hoá của nhân dân diễn ra thuận lợi. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ cho huyện Đại Lộc 4,7 tỷ đồng để thực hiện chương trình bê tông hóa GTNT. Theo đó, huyện đã phân bổ kế hoạch cho các xã, thị trấn để xây dựng 17,21 km đường GTNT. Trong đó: Khu vực I (các xã đồng bằng): 9,78Km, kinh phí: 3,82 tỷ đồng; Khu vực II (các xã miền núi): 7,43Km; kinh phí: 3,21 tỷ đồng. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hùng Trận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đã biểu dương các đơn vị thực hiện tốt chương trình bê tông hóa GTNT năm 2010, phát huy sự nỗ lực của các ngành chuyên môn, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: Việc lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hồ sơ quyết toán công trình ở một số xã còn chậm; công tác khảo sát tuyến, lập danh mục công trình và xác định thứ tự ưu tiên đầu tư không chính xác; công tác chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra ở một số nơi chưa chặt chẽ dẫn đến việc chấp hành đảm bảo kỹ thuật chưa nghiêm… Để triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch bê tông hóa GTNT năm 2011 và thực hiện tốt công tác bảo trì, quản lý đường bộ; đồng chí Đặng Hùng Trận nhấn mạnh các giải pháp sau: Củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giao thông nông thôn ở huyện và xã; tập trung công tác lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thi công công trình và báo cáo quyết toán đúng kế hoạch; cử cán bộ trong tổ giúp việc xuống kiểm tra từng tuyến công trình trước khi thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật... (Đ/c Đặng Hùng Trận phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Ngọc Quang) Về công tác quản lý và bảo trì đường bộ: Căn cứ Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 03/3/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Ban hành Quy định quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, năm 2011 là năm đầu tiên khai thực hiện, UBND huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng Đề án quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã và đường dân sinh trình UBND huyện phê duyệt, trình HĐND huyện thông qua, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Về phương án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ Tầng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Cụm công nghiệp Du lịch và Khuyến công, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành, địa phương có liên quan tham mưu, xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các vùng có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để quy hoạch phát triển công nghiệp. Phương án nhấn mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời. Vì vậy, cần phải nắm chắc được nhu cầu học nghề (theo từng nghề, nhóm nghề, độ tuổi, vị trí công việc...) của người dân ở từng địa phương và nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Điều tra khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nghề, cấp trình độ; đặc biệt là nhu cầu học nghề của các nhóm nông dân nghèo trong đó chia ra 02 hướng: (1) Đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động (2) đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bê tông hóa GTNT, quản lý và bảo trì đường bộ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 03 chương trình lớn nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2011 rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của huyện, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng, tích cực tham gia nhân dân để đạt được kết quả cao và toàn diện, góp phần vào công cuộc CNH - HĐH của huyện nhà./. - Đoàn Ngọc Quang -
|