Khóa học diễn ra trong thời gian một tháng, học viên sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tạo ra những chiếc ghế mây đạt yêu cầu về mặt mỹ quan và chất lượng. Cơ sở Bình Minh sẽ thu mua sản phẩm ngay trong quá trình học với mỗi chiếc ghế thô là 30.000đồng. Chị Năm (38 tuổi) – học viên của lớp mây tre đan tâm sự: trước khi tham gia lớp học, chị vừa làm ruộng vừa trồng đậu, trồng thuốc lá…, hết mùa chị đi làm thợ hồ, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Bây giờ sức khỏe yếu chị không thể làm những việc nặng được, thấy việc đan ghế mây cũng nhẹ nhàng lại có thu nhập ổn định nên chị đã hăng hái đăng ký tham gia lớp học, mong rằng sẽ có thật nhiều lớp đào tạo nghề như thế này để người nông dân có thêm thu nhập.
Đại Tân là một xã có dân số khá đông, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,7% (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2010-2015). Hy vọng việc phát triển nghề mây tre đan tại xã sẽ giải quyết được việc làm cho bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
- Bài: Nguyệt Cát, Ảnh: Quang Kết (Đại Tân) -
|