Đồng chí Hồ Phước Hậu, bí danh là Hồng Phúc, người làng Hoá Đại, tổng Mỹ Hoà (nay là thôn Phú Hòa, xã Đại An, huyện Đại Lộc). Đồng chí là con trai duy nhất trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông. Học xong bậc tiểu học ở trường Mỹ Hoà cũng là lúc gia đình gặp đại tang, ông nội, bà nội và người cha lần lượt qua đời trong một năm để lại cho gia đình nỗi đau vô tận, từ đó Hồ Phước Hậu từ bỏ ý định theo học tiếp tại trường Quốc Học Huế ở nhà cùng mẹ gánh vác công việc gia đình.
Không theo học ở trường, đồng chí đã tự học ở nhà để nâng cao kiến thức: viết báo, truyện ngắn, làm thơ, làm cộng tác viên cho báo Hồn Nước2. Các bài viết của đồng chí phần nhiều đề cập đến các vấn đề nóng bỏng ở nông thôn như nạn quan lại tham ô, hương lý sách nhiễu nhân dân... Mặc dù công việc gia đình chi phối nhiều thời gian nhưng khi có điều kiện thì đồng chí tích cực tham gia các hoạt động theo tư tưởng tiến bộ.
Năm 1936, đồng chí tiếp xúc với đồng chí Trương Văn Chấn, người bạn thân thiết từ thuở nhỏ, mới trở về nhà sau thời gian làm nghề hớt tóc ở Quy Nhơn (Bình Định). Hai đồng chí tổ chức mua các sách báo tiến bộ để đọc và cùng một số thanh niên, học sinh khác lập ra nhóm “Tập làm văn” để trao đổi cung cấp thông tin tình hình trong nước và quốc tế.
Giữa lúc đó, mùa hè năm 1937, đồng chí Trần Tống từ trường Quốc học Huế về quê mở trường dạy học. Nhận thấy đồng chí Hồ Phước Hậu cùng một số thanh niên, học sinh ở tổng Mỹ Hoà có tư tưởng tiến bộ, đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Hết kỳ nghỉ hè, đồng chí Trần Tống giới thiệu đồng chí Hồ Phước Hậu và các thanh niên, học sinh khác cho đồng chí Nguyễn Đức Thiệu để tiếp tục kèm cặp, giúp đỡ.
Trên cơ sở đó, tháng 8 năm 1936, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã kết nạp đồng chí Hồ Phước Hậu cùng các đồng chí Trương Văn Chấn, Trương Kim Ấn, Ngô Quang Tám, Bùi Thương vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Các đảng viên mới kết nạp được lập thành Chi bộ Đảng tổng Mỹ Hoà. Đồng chí Hồ Phước Hậu được cử làm Bí thư Chi bộ.
Thời gian này trên địa bàn huyện Đại Lộc, ngoài Chi bộ tổng Mỹ Hoà còn có hai chi bộ khác là Chi bộ tổng Đại An và Chi bộ tổng Đức Hạ. Nhằm thống nhất đầu mối chỉ đạo của các chi bộ và đáp ứng yêu cầu của tình hình khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh- dân chủ phát triển, ngày 09 tháng 12 năm 1937, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc. Đồng chí Hồ Phước Hậu cùng đồng chí Trương Văn Chấn là hai đại biểu của Chi bộ tổng Mỹ Hoà được cử đi dự hội nghị này. Tại hội nghị, đồng chí Hồ Phước Hậu cùng 6 đồng chí khác được cử vào Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện; đồng thời được phân công trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của tổng Mỹ Hoà.
Trên cương vị Bí thư Chi bộ tổng Mỹ Hoà và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đại Lộc, đồng chí Hồ Phước Hậu đã có nhiều đóng góp vào phong trào cách mạng của huyện Đại Lộc nói chung, của tổng Mỹ Hoà nói riêng. Chi bộ tổng Mỹ Hoà đã phát triển thêm 4 đảng viên, đồng thời phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ ra hầu hết các làng trong tổng Mỹ Hoà; tổ chức các nhóm đọc sách báo, nhóm tương tế, trương trợ. Đặc biệt đã tổ chức các phong trào vận động bầu cử cho Phan Thanh, chống đi xâu Giằng...Đáng chú ý, đồng chí đã trực tiếp tổ chức, lãnh đạo các hoạt động cách mạng trong học sinh trường tiểu học Mỹ Hoà. Đây là ngôi trường duy nhất của huyện Đại Lộc dạy đến lớp Nhất (lớp năm ngày nay), thu hút hơn trăm con em của huyện Đại Lộc cũng như của các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên đến học tập. Nơi đây đã trở thành địa điểm giác ngộ được nhiều học sinh, trong số đó có nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ Đảng và Nhà nước.
Tháng 8 năm 1938, đồng chí Hồ Phước Hậu được cử làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc thay cho đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy trong Hội nghị Tỉnh ủy trước đó. Trên cương vị Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Huyện uỷ và các chi bộ Đảng trong huyện tổ chức triển khai các nhiệm vụ do Tỉnh ủy đề ra như đấu tranh chống tăng thuế của Khâm sứ Trung kỳ, để tang Phan Thanh, vận động bầu cử Đặng Thai Mai thay cho Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung kỳ.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Việt Nam, bọn phản động thuộc địa ở Đông Dương đã tiến hành đàn áp dã man phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Phong trào cách mạng ở Quảng Nam cũng như ở Đại Lộc cũng không nằm ngoài âm mưu đó của địch. Đồng chí Hồ Phước Hậu bị địch bắt giam. Ban đầu, chúng giam đồng chí ở Toà mật thám Hội An để tra khảo sau đó chuyển lên nhà lao tỉnh Quảng Nam. Tại phiên toà xét xử những người cộng sản ở Quảng Nam vào ngày 6 tháng 01 năm 1940, đồng chí Hồ Phước Hậu cùng các đồng chí khác đã biến phiên toà của địch thành nơi vạch trần bản chất phản dân hại nước của bọn tay sai, đồng thời công khai tuyên truyền cách mạng, bảo vệ những việc làm vì dân vì nước của những người cộng sản. Đồng chí bị chúng kết án 4 năm tù giam và bị chuyển xuống giam ở nhà lao Hội An.
Trong các nhà tù, đồng chí luôn giữ tròn khí tiết của người cộng sản, tham gia tích cực trong các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, đòi cải thiện đời sống.
Do những đòn tra tấn dã man của kẻ thù và chế độ giam cầm ở nhà lao Hội An quá hà khắc, đồng chí Hồ Phước Hậu đã hy sinh vào ngày 07 tháng 8 năm 1940, để lại trong lòng những người bạn tù sự thương tiếc khôn nguôi.
2 Hồn Nước là tờ báo có nội dung tiến bộ đương thời, độc giả chủ yếu là thanh niên, học sinh.