Đồng chí Trương Quang Lạc sinh năm 1914, tại làng Bàng Trạch, tổng Đại An, nay là thôn Hoà Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Lớn lên, Trương Quang Lạc học tại trường sơ học yếu lược tại làng Phú Hương, sau học tại trường tiểu học Mỹ Hoà, huyện Đại Lộc.
Tốt nghiệp tiểu học, Trương Quang Lạc không học lên bậc Cao đẳng tiểu học mà về quê dạy học cho con em trong vùng. Nơi dạy học là ngôi nhà của song thân; học sinh không chỉ là con em nhân dân lao động quanh vùng mà có cả con quan lại của huyện Đại Lộc bấy giờ. Nhờ dạy học, Trương Quang Lạc có mối quan hệ xã hội rộng, nhất là trong giới học sinh, giáo viên, kể cả tầng lớp trên của xã hội đương thời.
Đây cũng là thời điểm phong trào cách mạng của huyện Đại Lộc sau thời gian bị địch khủng bố vào cuối năm 1930 đã dần phục hồi. Năm 1933, sau khi ra tù và một thời gian làm việc, tham gia hoạt động cách mạng ở Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu về làng Ái Nghĩa mở trường dạy học9. Với tư cách nhà giáo, đồng chí có điều kiện đi lại, tiếp xúc với nhiều giáo viên và phụ huynh trong vùng, trong đó có đồng chí Trương Quang Lạc.
Trong mối quan hệ đó, năm 1936, đồng chí Trương Quang Lạc cùng một số giáo viên, thanh niên, học sinh trong huyện Đại Lộc được đồng chí Nguyễn Đức Thiệu tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa Mác -Lênin và đường lối cách mạng của Đảng. Mang trong mình tinh thần yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến, nên khi được tuyên truyền, giác ngộ, đồng chí Trương Quang Lạc đã sớm tham gia vào hàng ngũ đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong khi đó, trên cơ sở giác ngộ đựơc nhiều học sinh, thanh niên, giáo viên, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã thành lập 2 nhóm thanh niên cộng sản, trong đó một bộ phận ở Ái Nghĩa, một bộ phận ở khu vực huyện lỵ Đại Lộc. Đồng chí Trương Quang Lạc cùng với Trần Trí (Xếp Trí), Nguyễn Thúc Hưng (Năm Hưng) tham gia nhóm thanh niên khu vực huyện lỵ.
Tháng 11 năm 1936, trước yêu cầu của tình hình và căn cứ vào sự giác ngộ của hai nhóm thanh niên cộng sản, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu đã chuyển hai nhóm thanh niên cộng sản trên thành một chi bộ Đảng. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Đại Lộc. Ban đầu, Chi bộ này được chia thành hai bộ phận, một bộ phận ở tổng Đại An, một bộ phận ở tổng Đức Hạ10. Đồng chí Trương Quang Lạc sinh hoạt tại bộ phận tổng Đại An cùng với đồng chí Nguyễn Thúc Hưng. Được một thời gian, hai bộ phận của Chi bộ được tách thành hai chi bộ độc lập: Chi bộ tổng Đại An và Chi bộ tổng Đức Hạ. Đồng chí Trương Quang Lạc sinh hoạt tại Chi bộ tổng Đại An.
Có chi bộ Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của tổng Đại An phát triển nhanh chóng. Đồng chí Trương Quang Lạc cùng các đảng viên và cơ sở tích cực tuyên truyền, giác ngộ nhiều thanh niên, học sinh thông qua các bài giảng ở trường, đọc sách báo tiến bộ, tổ chức các buổi đi chơi, đá bóng...Đồng chí còn trực tiếp vận động, tổ chức các phong trào đấu tranh trên địa bàn tổng Đại An, như phong trào triệu tập Đại hội Đông Dương, đón phái bộ Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp do Guýt- Xtanh Go- đa dẫn đầu sang điều tra tình hình Đông Dương, vận động bầu cử Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ,...
Ngày 09 tháng 12 năm 1937, một sự kiện quan trọng đối với phong trào cách mạng huyện Đại Lộc là Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện được tiến hành. Nơi diễn ra hội nghị quan trọng này chính là nhà ông Phó Liên thân sinh đồng chí Trương Quang Lạc. Hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc và cử ra Ban Chấp hành đầu tiên, gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Đồng chí Trương Quang Lạc được cử vào Ban Chấp hành. Đồng chí Trương Quang Lạc cùng đồng chí Nguyễn Thúc Hưng được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng của tổng Đại An; đồng thời được phân công phụ trách thông tin liên lạc cho Đảng bộ huyện Đại Lộc.
Tổng Đại An lúc này là một địa bàn quan trọng đối với phong trào cách mạng của huyện Đại Lộc. Cách không xa nhà của đồng chí Trương Quang Lạc là trường tiểu học Phú Hương, đặc biệt là trụ sở chính quyền Nam triều huyện Đại Lộc11. Do vậy, nếu phong trào cách mạng ở đây phát triển sẽ có tác động tích cực đến phong trào chung của cả huyện Đại Lộc. Đồng chí Trương Quang Lạc đã tích cực chỉ đạo các phong trào cách mạng ở địa phương như vận động chống dự án tăng thuế của Khâm sứ Trung Kỳ, chống đi xâu Giằng, phát triển tổ chức thanh niên dân chủ, lôi kéo cả con của Tri huyện Đại Lộc tham gia...
Giữa lúc đó thì vào tháng 5 năm 1938, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, trong lúc chờ cử đồng chí Bí thư mới của Huyện uỷ, đồng chí Trương Quang Lạc chịu trách nhiệm chỉ đạo mọi mặt công tác của Đảng bộ huyện cho đến tháng 8 năm 1938 sau khi đồng chí Hồ Phước Hậu được bầu làm Bí thư Huyện ủy12.
Tháng 02 năm 1939, đồng chí Trương Quang Lạc đại diện cho Huyện uỷ Đại Lộc đi dự hội nghị Tỉnh uỷ tại một hang núi ở Trà Kiệu, phủ Duy Xuyên.
Giữa lúc phong trào đòi dân sinh - dân chủ đang phát triển thì tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Việt Nam, bọn phản động thuộc địa nhân cơ hội đó thủ tiêu các quyền lợi dân sinh dân chủ mà nhân dân đã giành được, tiến hành đàn áp dã man phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Do không kịp chuyển vào hoạt động bí mật, đồng chí Trương Quang Lạc cùng nhiều đồng chí trong Huyện uỷ và Đảng bộ huyện bị bắt giam. Ban đầu chúng đưa đồng chí về Toà mật thám Pháp ở Hội An để tra khảo, sau đó chuyển lên nhà lao tỉnh Quảng Nam để tiếp tục khai thác. Bất chấp sự theo dõi, tra tấn của kẻ thù, tại đây, anh em tù nhân đã thành lập Ban Liên lạc để lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống lại sự giam cầm hà khắc của bọn thực dân và tay sai, động viên nhau giữ gìn khí tiết người cộng sản.
Tại phiên tòa xét xử những người cộng sản vào ngày 06 tháng 01 năm 1940, đồng chí tham gia phản đối phiên tòa và hô vang khẩu hiệu chống chế độ thực dân Pháp và bọn bù nhìn bán nước, gây tiếng vang trong dư luận. Tức tối, bọn địch kết án 5 năm tù giam và chuyển xuống giam giữ tại nhà lao Hội An. Tại đây, để phù hợp với tình mới, Ban Liên lạc nhà lao đổi thành Chi bộ và đồng chí Trương Quang Lạc là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ này 13. Là đảng viên của Chi bộ, đồng chí đã tham gia hầu hết các hoạt động trong nhà tù, từ việc tổ chức học lý luận chính trị, học văn hóa, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, động viên nhau giữ gìn khí tiết người cộng sản đến việc chống lại chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân.
Tuy nhiên, do bị tra tấn dã man, ăn uống kham khổ, sức khoẻ ngày một giảm sút, đồng chí hy sinh vào ngày 24 tháng 12 năm 1942. Sự ra đi của đồng chí Trương Quang Lạc để lại niềm thương tiếc cho cán bộ, chiến sĩ đang bị giam cầm ở nhà lao Hội An. Tin đồng chí hy sinh cũng lan ra ngoài, có tác động động viên tư tưởng, tình cảm của người thân và bao cơ sở quần chúng và đảng viên đang hoạt động, xây dựng và phát triển phong trào lên một bước mới.
Với những cống hiến to lớn đó, đồng chí Trương Quang Lạc được truy tặng liệt sĩ và Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm 1988, mộ đồng chí đã được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang, huyện Đại Lộc
9 Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu (1907 - 1992), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1938); nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (1939). Xem thêm “Quảng Nam- Những tấm gương cộng sản , tập 1”, Nxb Đà Nẵng, 2010.
10 Tổng Đại An, nay bao gồm xã Đại Quang và xã Đại Đồng; tổng Đức Hạ, nay bao gồm xã Đại Nghĩa, xã Đại Hiệp và phần một phần thị trấn Ái Nghĩa.
11 Huyện lỵ Đại Lộc bấy giờ ở tại làng Đông Lâm, tổng Đại An, nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đại Quang, cách nhà đồng chí Trương Quang Lạc khoảng 1,5 km.
12 Hồi ký của đồng chí Trương Văn Chấn, ghi đồng chí Trương Quang Lạc phụ trách Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Tài liệu hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, tr. 12.
13 Theo hồi ký của đồng chí Trương Văn Chấn, sau vụ xét xử vào ngày 06 tháng 01 năm 1940, do chống án, đồng chí Trương Quang Lạc bị chuyển lên nhà đày Buôn Ma Thuột cùng với các đồng chí Trần Tống, Nguyễn Đức Thiệu...Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, bản đánh máy, trang 36.