Nguyễn Trác - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung,
người con ưu tú của quê hương Quảng Nam
Đồng chí Nguyễn Trác, bí danh Thiều, sinh ngày 04/11/1904, tại làng Hà Thanh, nay là làng Hà Tây, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.
Sau khi học hết năm thứ hai bậc trung học, tháng 6/1927, Nguyễn Trác thoát ly gia đình, vào Sài Gòn - Gia Định làm công nhân cho hãng buôn Grands Magasins Charner. Trong thời gian này, sự bóc lột sức lao động thậm tệ của giới chủ đã khiến đồng chí sớm nhận thức được con đường đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân. Từ cuối năm 1928, dưới tác động của cuộc bãi công ở xưởng đóng tàu Ba Son, Nguyễn Trác cùng những đồng chí của mình tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức Công hội đỏ ở hãng Grands Magasins Charner.
Đồng chí Nguyễn Trác
Ngày 20/7/1930, Nguyễn Trác vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ hãng Charner - trực thuộc Tỉnh ủy Sài Gòn. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Thành ủy Sài Gòn chỉ định làm Bí thư Chi bộ Charner. Trên cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân hãng Charner đòi cải thiện đời sống, ngày làm việc 8 giờ vào ngày 21/01/1931.
Sau sự kiện này, đồng chí bị bắt và đưa về Sở mật thám Catinat. Tại đây, bọn mật thám Pháp đã sử dụng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất nhằm moi ra thông tin về chi bộ cộng sản ở hãng Charner nhưng đồng chí nhất mực không khai, giữ vững ý chí của người cộng sản. Tức tối, chúng đưa Nguyễn Trác về giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Đến đầu tháng 5/1933, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử đặc biệt, đồng chí bị chúng kết án ông 10 năm tù cấm cố và đày đi Côn Đảo. Ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Trác được giao chủ trì phong trào đấu tranh và được cử làm Bí thư một chi bộ. Tiếp đó, đồng chí cùng với chi bộ nhà lao thành lập Chi bộ Bang II và được cử làm Bí thư Chi bộ kiêm phụ trách Ban đời sống Bang II trong các năm 1934, 1935, 1936.
Tháng 7/1936, được trao trả tự do. Ra tù trong lúc phong trào cách mạng ở quê nhà đang diễn ra sôi động, đồng chí Nguyễn Trác lao ngay vào hoạt động, bắt liên lạc tiếp tục hoạt động. Hưởng ứng cuộc vận động Đại hội Đông Dương ở Sài Gòn, Nguyễn Trác cùng với các đồng chí Trịnh Quang Xuân, Trần Học Giới trực tiếp thành lập Ủy ban Vận động Đại hội Đông Dương của Quảng Nam để tham gia cuộc họp toàn kỳ Đại hội Đông Dương diễn ra tại Huế vào ngày 20/9/1936. Theo sự phân công của đồng chí Nguyễn Trác, một số đại biểu tỉnh Quảng Nam đã tham gia tích cực vào cuộc họp này, bác bỏ dự thảo của những đại biểu thân Pháp, không công nhận ủy ban do một số nghị viên đặt ra và lập Ủy ban lâm thời Chi nhánh Trung kỳ của Đại hội Đông Dương. Vào thời gian này, các đại biểu đảng bộ ở một số tỉnh Trung kỳ đã họp bí mật ở Huế để bàn về những nhiệm vụ của cách mạng và cử ra Xứ ủy lâm thời Trung kỳ. Đồng chí Nguyễn Trác được cử vào Xứ ủy viên và được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Sau đó, cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Trác mời mỗi phủ, huyện một đồng chí về tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh (còn gọi là Hương Kỳ) ở làng Tân Hạnh (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tổ chức hội nghị bàn nhiệm vụ lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Hội nghị nghe phổ biến nghị quyết của Trung ương, nghe các đại biểu báo cáo tình hình tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng ở địa phương mình. Hội nghị chủ trương phát triển thực lực Đảng, thực lực quần chúng cả bí mật và công khai một cách đều khắp hơn nữa, lập nhiều hội ái hữu, hội tương tế, nhóm đọc sách báo, tận dụng báo chí công khai, kết hợp được giữa hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp, phát động quần chúng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh theo khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân ngành xe lửa, ủng hộ các tờ báo tiến bộ trong nước. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm có 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư.. Cuối năm 1937, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào.
Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, đồng chí đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội, lấy chữ ký kiến nghị gửi cho phái đoàn nghị sĩ Pháp sang Đông Dương điều tra tình hình; vận động bầu Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III; để tang chiến sĩ cách mạng Thái Thị Bôi… tạo bước phát triển mới cho phong trào cách mạng trong tỉnh.
Đầu năm 1938, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp tăng thuế nổ ra. Để đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp tăng cường bắt bớ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Ngày 15/11/1938, đồng chí Nguyễn Trác không may rơi vào tay giặc và bị kết án 1 năm tù, sau tăng lên 5 năm vì tội tham gia tổ chức đảng, âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó, chúng đày đi các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột. Đến năm 1943, chúng đưa đồng chí đi an trí ở Đắk Tô (Kon Tum).
Tháng 7/1945, đồng chí Nguyễn Trác được trả tự do. Về Quảng Nam, đồng chí nhanh chóng móc nối với cơ sở tiếp tục hoạt động. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng, đồng chí được phân công làm Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Đà Nẵng, phụ trách quân sự, binh vận và tiếp quản Tòa án thành phố. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được bầu làm Ủy viên Quân sự và Ủy viên Tư pháp thuộc UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng.
Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, từ tháng 11/1945, đồng chí được Đảng phân công công tác trên lĩnh vực Tư pháp và lần lượt giữ các chức vụ: Chánh án Tòa án Quân sự khu vực Thuận Hóa, gồm 5 tỉnh từ tỉnh Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi (11/1945); Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4 (12/1950). Trên các cương vị công tác, đồng chí đã cùng đơn vị đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong việc điều tra, truy tố những đối tượng có hành vi phản cách mạng; từng bước tổ chức lại hệ thống tòa án từ cấp Liên khu trở xuống, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, góp phần trừng trị bọn tay sai, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đồng chí Nguyễn Trác được Bộ Tư pháp cử làm Phó đoàn cán bộ Bộ Tư pháp về tiếp quản Hà Nội. Đến tháng 01/1955 làm Công tố Ủy viên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội rồi Giám đốc Vụ hình hộ Bộ Tư pháp, phụ trách Đảng đoàn Bộ Tư pháp. Từ tháng 5/1958 đến tháng 10/1959, giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng đoàn; từ 1960 - 1966, là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng chí cũng là đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964), đơn vị tỉnh Nghệ An.
Đầu năm 1966, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ban Pháp chế Trung ương Đảng được thành lập, do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban. Đồng chí Nguyễn Trác được cử làm Ủy viên, sau đó làm Phó Trưởng ban Thường trực. Trong thời gian công tác tại Ban Pháp chế Trung ương, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo hoàn thành tốt các công việc đề ra và đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tháng 4/1979, đồng chí nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại Thủ đô Hà Nội. Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Nguyễn Trác từ trần ngày 11/8/1986.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Trác là một cán bộ lãnh đạo, một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, luôn thể hiện tinh thần và ý chí cách mạng bền bỉ, là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên noi theo. Trong quá trình công tác đồng chí luôn nêu cao tình đoàn kết nội bộ, gắn bó mật thiết với đồng chí đồng đội, thường xuyên dành thời gian để tập trung thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Đồng chí Nguyễn Trác đã cùng với tập thể cấp ủy tổ chức thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Trác đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đặc biệt, năm 2013, đồng chí Nguyễn Trác được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng. Tên đồng chí Nguyễn Trác đã được đặt cho tuyến đường trên địa bàn phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ; quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương trong cả nước.
Đông Khôi