Tích cực hỗ trợ sản xuất
Nhìn 3 sào ớt và đậu xanh đang phát triển rất tốt, ông Nguyễn Ôn (thôn Tam Mỹ, xã Đại Phong) không giấu được niềm vui: “Hàng chục năm nay mỗi khi nắng nóng hoành hành là tôi thấp thỏm lo vụ mùa thất bát. Bởi do không có công trình thủy lợi nên 2 loại cây trồng này thường xuyên bị khô hạn nặng. Bây giờ thì đã ổn, vì cách đây không lâu tôi được chính quyền xã hỗ trợ đóng giếng bơm ngay trên ruộng nên nước tưới không còn thiếu hụt nghiêm trọng như trước”. Ngoài việc kéo điện ra các cánh đồng, năm 2012 xã Đại Phong chi hơn 100 triệu đồng hỗ trợ nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Thuận Mỹ, Minh Tân, Tân Mỹ, Phú Phước, Tam Mỹ đóng 169 giếng khoan nhằm chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho hàng chục héc ta đất chuyên canh, xen canh các loại cây trồng cạn chủ lực. Ông Bùi Văn Thành – một người dân ở thôn Tân Mỹ phấn khởi: “Trước kia, vì không có nước tưới, sản lượng đạt quá thấp nên mỗi vụ tôi chỉ thu về chừng 2 triệu đồng từ 1 sào ớt. Còn nay nhờ nước tưới dồi dào, năng suất ớt tăng mạnh nên giá trị kinh tế tăng lên gấp 2 - 3 lần. Chính sách hỗ trợ nông dân thủy lợi hóa đất màu mà xã triển khai trên diện rộng trong thời gian qua rất hợp lòng dân vì hiệu quả mang lại hết sức thiết thực”.
|
Thời gian qua, xã Đại Phong rất chú trọng bê tông hóa giao thông nông thôn kết hợp với giao thông nội đồng và kiên cố kênh mương. Ảnh: Đ.S |
Ông Ngô Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phong cho biết, cùng với phương án hỗ trợ về giếng khoan, lãnh đạo địa phương còn thúc đẩy phát triển sản xuất bằng hình thức mua heo giống cấp cho hộ nghèo. Năm ngoái toàn xã có 68 hộ thuộc diện khó khăn được hỗ trợ heo giống với tổng giá trị 124 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng chi gần 5 triệu đồng để mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh cho những hộ nghèo. Ngoài 2 hướng hỗ trợ vừa nêu, hơn một năm qua xã Đại Phong còn triển khai nhiều phương án giúp cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, bên cạnh việc hình thành hàng loạt cánh đồng sản xuất giống lúa hàng hóa cho giá trị kinh tế rất cao thì thời gian qua nhờ đầu tư đồng bộ nhiều khâu nên năng suất của 185ha lúa thương phẩm ở địa phương cũng không ngừng tăng lên. Nếu đông xuân 2010-2011 năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 65 tạ/ha thì vụ vừa rồi đã tăng lên 72 tạ/ha. Trong tổng số 100ha đất màu ở Đại Phong thì hiện nay đã có 65% diện tích được nông dân xây dựng thành những mô hình canh tác cây trồng cạn cho giá trị 110 - 170 triệu đồng/ha/năm...
Vì cuộc sống dân sinh
Nhờ đẩy mạnh khâu tuyên truyền và thực hiện tốt các chính sách nên cuối năm 2012 xã Đại Phong đạt thêm 2 tiêu chí mới là nhà ở dân cư và y tế. Ông Trường cho biết thêm: “Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới là tạo nên môi trường sống chất lượng cho nhân dân. Về y tế, thời gian qua Đại Phong luôn giữ vững trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, không ngừng vận động nhân dân tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hưởng phúc lợi ưu đãi từ phía Nhà nước. Đến nay, toàn xã đã có 65% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm”. Công tác vệ sinh môi trường cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đó, Hội Nông dân xã đã cấp cho các thôn hàng trăm hố bi bê tông đựng rác thải trên đồng ruộng và hoàn thành đề án thu gom rác thải ở tất cả khu dân cư. Với tầm nhìn chiến lược, chính quyền xã Đại Phong luôn ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nhằm giúp con em được học hành tốt nhất. Hiện nay, hầu hết trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn đều đã được tầng hóa. Nhờ tập trung mọi nguồn lực nên đến nay tiêu chí về giáo dục ở Đại Phong đã đạt hơn 70% và dự báo sẽ đạt theo chuẩn nông thôn mới trong năm 2013 này.
Năm 2012, công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ cũng được xã Đại Phong thực hiện khá tốt với 84 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà. Ngoài ra, xã còn kêu gọi các đoàn thể và những nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới, sửa chữa 32 ngôi nhà cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua chính quyền xã Đại Phong cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương nhằm tạo việc làm ổn định cho người dân. Ông Trường cho biết, thời điểm này các nhà máy, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn đang tạo việc làm thường xuyên cho ít nhất 400 lao động với mức thu nhập 2,4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay xã đang xây dựng kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức dạy nghề cho người dân địa phương nhằm tăng nhanh tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm...
Nhờ những quyết sách đúng đắn khi xây dựng mô hình nông thôn mới của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân, giờ đây người dân Đại Phong đã có cuộc sống ấm no hơn. Được biết, cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 16% thì nay chỉ còn 8%. Ngoài ra, việc các tiêu chí điện, trường học, chợ, bưu điện, an ninh trật tự... xã hội đạt chuẩn đang mang đến cho vùng quê này một luồng sinh khí mới...
- Văn Sự - Đoàn Đạo - Theo baoquangnam.gov.vn