Huyện Đại Lộc xuất phát điểm là huyện nghèo, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hằng năm chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, nên còn nhiều khó khăn. Vị vậy, huyện xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiện của các ngành, các cấp và của toàn dân, góp phần thay đổi diện mạo trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng này. Theo đó việc tuyên truyền gây nhận thức đi trước một bước và thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú như: Ban tuyên giáo huyện ủy xây dựng đề cương tuyên tuyền về chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã mở chuyên mục tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống phát thanh; Mặt trận và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, hội cựu chiến binh… phối hợp lồng ghép tuyên truyền thông qua sinh hoạt, hội nghị, tổ chức hội thi… về xây dựng nông thôn mới. Chính nhờ sự vào cuộc một cách tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn tuyên truyền về sự cần thiết xây dựng nông thôn mới, nên nhiều nơi đã tạo được sự đồng thuận trong toàn dân.
Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng mừng, 17 xã trong huyện đã triển khai thực hiện hoàn thành công tác lập qui hoạch xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới: Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, được UBND huyện ký Quyết định phê duyệt trước ngày 30/6/2013. Toàn huyện đã tiếp nhận 16.430 triệu đồng vốn ngân sách trung ương, tỉnh đầu tư trực tiếp cho chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn đầu tư phát triển 8.920 triệu đồng, đầu tư cho sự nghiệp 7.510 triệu đồng. Thực hiện các chương trình, dự án “ nhà nước và nhân dân cùng làm” đã huy động sức dân xây dựng 131 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 14 km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh; đầu tư nước sạch cho cộng đồng dân cư ở Đại Quang, Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn; xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp, thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường; đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch Khe Lim và làng trống Lâm Yên; xây dựng 93 km giao thông nội đồng và cải tạo đồng ruộng; đầu tư xây dựng thủy lợi hóa đất màu ở các xã Đại Hồng, Đại Cường, Đại Phong, Đại An , Đại Hòa, Đại Thạnh. Các xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 như làng Yều xã Đại Hưng, Thôn Mỹ Lễ xã Đại Thạnh được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: giao thông nông thôn, đường điện, nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hàng trăm ngày công, tiền của tháo dỡ tường rào, cổng ngõ hiến đất để làm giao thông, nhà văn hóa, triển khai thu gom rác thải, thực hiện “ánh sáng đường làng”, “ tiếng mõ an ninh”, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nắm bắt kịp thời một số chính sách mới ban hành, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn giỏi, thu nhập ngày càng cao. Qua con số thống kê mới nhất Đại Hiệp có thu nhập bình quân đầu người 20 triệu 600 ngàn/năm; Đại Minh 19 triệu 800 ngàn đồng/người/năm; Đại cường 19 triệu 100 ngàn đồng người/năm; Đại Hồng 16 triệu 900 ngàn đồng/người/năm; Đại Phong 16 triệu 500 ngàn đồng/người/năm. Ba năm qua, các ngành, Mặt trận, đoàn thể trong huyện đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho 1.215 lao động, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp 955 lao động gồm các nghề mây tre, dệt thổ cẩm…, nghề nông nghiệp 260 lao động gồm các nghề chăn nuôi thú y, trồng nấm, sản xuất rau an toàn nâng tổng số lao động qua đào tạo nghề là 26%. Cả huyện đã xây dựng được 36 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích 1.434ha ở các xã Đại Thắng, Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Hòa, Đại Quang, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đai Hiệp, Thị trấn Ái Nghĩa, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, cao hơn so với diện tích sản xuất đại trà 3-4 tạ/ha. Nhiều cánh đồng rau sạch đạt giá trị từ 80-120 triệu đồng/ha. Diện tích vườn được cải tạo nâng lên 1400/2.209 ha, lập vườn cây ăn quả trên 10 ha ở các xã Đại Quang, Đại Thạnh, Đại Thắng, Đại Minh đang phát triển khá tốt. Chăn nuôi phát triển đa dạng về qui mô và chủng loại con vật nuôi. Cả huyện có 7 trang trại chăn nuôi, trong đó có trang trại nuôi 700 con heo giống hiệu quả cao; có 68 gia trại gia súc; 69 gia trại gia cầm; chăn nuôi thủy sản được mở rộng với nhiều loài cá mới, sản lượng thu được trong năm 2013 là 580 tấn. Một số mô hình trồng cây lâm nghiệp ra đời như: trồng mây nếp ở Đại Thạnh, trồng loòn boong ở Đại Sơn, đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến cuối năm 2015 huyện Đại Lộc xây dựng 4 xã điểm đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đó là Đại Cường, Đại Hồng, Đại Hiệp, Đại Phong. Qua 3 năm triển khai huyện Đại Lộc bổ sung thêm xã Đại Minh. Như vậy đến năm 2015 huyện Đại Lộc phấn đấu có 5 xã đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát đến cuối tháng 5 năm 2013 xã Đại Hiệp đạt 13 tiêu chí, Đại Hồng đạt 11 tiêu chí, Đại Cường đạt 11 tiêu chí, Đại Phong đạt 10 tiêu chí, Đại Minh mới bổ sung đạt 12 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 3-10 tiêu chí, trong đó xã Đại Sơn là xã miền núi khó khăn đạt 3 tiêu chí.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm đến hết tháng 8/2013, tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, đảm bảo lộ trình đã đề ra, ngày 9/7/2013 UBND huyện đã ban hành công văn số 884/UBND-VP giao nhiệm vụ thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 cho các địa phương, đơn vị. Ngày 22/7/2013 UBND huyện ban hành Quyết định số 1054/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện; ngày 24/7/2013 UBND huyện ban hành Quyết dịnh số 1055/QĐ-UBND về việc thành lập tổ điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và các văn bản chỉ đạo điều hành khác để thực hiện chương trình. UBND các xã cũng tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nhất là 5 xã điểm phấn đấu hoàn thành bộ tiêu chí vào năm 2015, cần có sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước và đặc biệt là vai trò chủ thể của nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền vận động gây nhận thức sâu sắc trong nhân dân về mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm thật sự có hiệu quả. Xây dựng những mô hình sản xuất mang tính bền vững, phát triển những cánh đồng mẫu lớn đảm bảo cung – cầu. Đẩy mạnh cơ giới hóa. Đào tạo nghề phù hợp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển sản xuất với nhiều mô hình làng nghề, TTCN, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Ông Nguyễn A- Ủy viên ban thường vụ- Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy cho rằng “ Xây dựng nông thôn mới là con đường mà chúng ta càng đi càng thấy rộng, càng đi càng thấy dài, các tiêu chí phải thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực phấn đấu mới đạt mục tiêu đã đề ra”
Từ thực tế kết quả đạt được và mục tiêu phấn đấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xin rút ra những kinh nghiệm đó là:
- Chủ trương xây dựng nông thôn mới là mục tiêu của Đảng và nhà nước ta, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Cho nên công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, từng tiêu chí, cách làm …, đặc biệt là hiểu rõ vai trò chủ thể người dân, đồng thời là người trực tiếp hưởng lợi, nhằm tạo đồng thuận xã hội, mọi người cùng chung tay, góp sức mới thành công.
- Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đóng vai trò chủ đạo, hoạt động tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra từng khâu công việc, từng tiêu chí theo lộ trình đã đề ra
- Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Sự phối hợp chặc chẽ giữa Mặt trận, đoàn thể, các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương ./.
- Lê Hây -