Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, hơn 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Hiệp luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hướng vào mục tiêu “3 trong 1”: từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá ở cơ sở; tăng cường và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, cải thiện đời sống văn hoá - tinh thần của nhân dân; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2011, Đại Hiệp đã gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Đỗ Thanh Cảng, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã Đại Hiệp cho biết: Công tác tuyên truyền được địa phương chú trọng thường xuyên, giúp người dân hiểu rõ xây dựng đời sống văn hóa là một nội dung không thể thiếu được trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi”. Đài Truyền thanh xã tăng thời lượng tuyên truyền các tài liệu hỏi- đáp về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, kịp thời biểu dương những cách làm hay, những người tốt, việc tốt trong cộng đồng dân cư. Ban Văn hóa- thông tin xã phối hợp với các đoàn thể xây dựng các cụm pa-no tuyên truyền trực quan 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ của nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí này. Khối Dân vận xã tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoai trực tiếp với người dân về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tổ chức các hội thi dưới hình thức sân khấu hóa để người dân dễ nghe, dễ hiểu và cùng thực hiện.
Không dừng lại ở công tác tuyên truyền, từng ngành, đoàn thể ở Đại Hiệp đều có các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Mặt trận Tỏ quốc phát động phong trào: “Toàn dân đoàn kết đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Con đường xanh- sạch- đẹp”; Đoàn Thanh niên tập trung: “Giáo dục thanh, thiếu niên bỏ học, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”; Hội Phụ nữ với “Phong trào thu gom rác thải, sạch từ nhà ra đường”, Hội Cựu chiến binh với: “Tổ an ninh tự quản đảm bảo trật tự thôn xóm”; Hội người cao tuổi chăm lo “Xây dựng gia đình ăn ở ngăn nắp hợp vệ sinh”… Cạnh đó, 5 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc thường xuyên tổ chức sinh hoạt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm góp ý xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp đỡ nhau làm kinh tế và kỹ năng sống trong gia đình. Các câu lạc bộ cầu lông Đại Hiệp, trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình cùng các câu lạc bộ dưỡng sinh của người cao tuổi, phong trào đi bộ buổi sáng... thực sự là nòng cốt, thúc đẩy Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng đi vào chiều sâu.
Ở các thôn, cấp ủy chi bộ, Ban Dân chính, Ban công tác Mặt trận và các Tổ đoàn kết tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, vận động thực hiện gia đình không sinh con 3, thôn không có người sinh con thứ 3; phát huy tình làng, nghĩa xóm và tinh thần chủ động, sáng tạo của nhân dân thông qua các phong trào giúp nhau làm kinh tế, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa... Đáng ghi nhận là nhân dân Đại Hiệp đã tích cực tham gia hàng ngàn ngày công, hiến đất, cây cối để xây dựng các thiết chế văn hoá- thể thao, đường giao thông nông thôn... Tổng giá trị người dân và các doanh nghiệp đóng góp trong 3 năm qua trên 4,5 tỉ đồng. Các tộc họ cũng tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Có 11 tộc xây dựng tộc ước; 10 tộc phát động xây dựng tộc văn hoá. Hầu hết các tộc đã xây dựng được quỹ khuyến học và hằng năm tổng kết phát thưởng động viên cho con cháu có thành tích trong học tập như thi đỗ đại học, cao đẳng và tặng quà cho các cháu gia đình nghèo hiếu học (tiêu biểu là tộc Huỳnh, tộc Võ, tộc Lê Cao, tộc Bùi, tộc Tưởng, tộc Phan Công...). Năm 2013, Đại Hiệp có 91,4 % só hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/7 thôn được công nhận thôn văn hóa; 8 tộc được công nhận danh hiệu Tộc văn hóa.
Về Đại Hiệp hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là diện mạo của một nông thôn mới đang hình thành. Các thiết chế văn hóa- thể thao ngày càng hoàn chỉnh. Cùng với Nhà văn hóa, công trình Trung tâm thể dục- thể thao xã đã hoàn thành với tổng giá trị 3,6 tỉ đồng. Trong tổng số 7 thôn, có 6 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới về các thiết chế văn hóa- thể thao; riêng thôn Phú Trung do giải tỏa để xây dựng chợ nông thôn nên hiện đang xây mới nhà văn hóa và khu thể thao với giá trị 2,2 tỉ đồng. Cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp đang trở thành hiện thực ở vùng quê hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng này. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hồng Đại khẳng định: Đây là kết quả chỉ đạo kiên quyết, kiên trì của Đảng ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã và sự “vào cuộc” nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị. Cùng với việc duy trì phong trào “Hai không” (Không vứt rác, súc vật chết ra nơi công cộng và không dùng xung điện để đánh bắt thủy sản), Đề án thu góp rác thải đã được xây dựng và thực hiện. Hội Phụ nữ xã đảm nhiệm việc vân động thu gom rác thải, tổ chức tập huấn cho phụ nữ thôn về phân loại rác thải tại gia đình. Từ các nguồn kinh phí hỗ trợ và ngân sách, UBND xã đã đầu tư mua sắm trên 60 thùng đựng rác và 10 xe xích lô vận chuyển đặt ở các khu vực công cộng, thành lập 7 tổ thu gom rác thải ở 7 thôn. Đến nay, có trên 90% hộ gia đình thực hiện việc thu gom rác thải. Các cơ sở sản xuất- kinh doanh cũng thực hiện cam kết không đổ chất thải ra môi trường. Đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas. Việc xây dựng ba công trình vệ sinh trong nhân dân cũng được địa phương quan tâm thực hiện, toàn xã có 97,1% hộ có hố xí hợp vệ sinh, 98,6% số hộ sử dụng nước sạch, 98% số hộ có buồng tắm. Bên cạnh đó, Đại Hiệp còn chú trọng vận động toàn dân thường xuyên thực hiện khơi thông cống, rãnh thoát nước, góp phần xây dựng các tuyến giao thông nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Nhà văn hóa- Khu thể thao thôn Phú Đông được xây dựng với tổng giá trị 1,9 tỉ đồng
Sau ba năm xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, Đại Hiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng: Mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%/năm. Tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- thương mại - dịch vụ chiếm gần 93% trong cơ cấu kinh tế và tỷ lệ lao động hoạt động trong các ngành này chiếm trên 65% trong cơ cấu lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/ năm. Có hơn 72,28% hộ khá- giàu; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 11,48% (thời điểm cuối năm 2010) giảm xuống còn 2,19%. Đại Hiệp đang nỗ lực tăng tốc để đến cuối năm 2014 là xã đầu tiên của huyện Đại Lộc đạt chuẩn xã nông thôn mới. Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có đủ cơ sở để tin rằng, mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay!
Một góc nông thôn mới Đại Hiệp
- Vân Trình -