Đăng nhập

Tài khoản
Tấm gương người cộng sản kiên cường
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 25/08/2022 .Lượt xem: 452 lượt.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), vùng đất giàu truyền thống hiếu học và cách mạng. Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng, là Tổng bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách của lịch sử dân tộc những năm 20 đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX.


Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ bởi ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân; đồng thời, chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, đồng chí Lê Hồng Phong sớm hình thành tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước.

Năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Thái Lan, rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm con đường làm cách mạng. Tại Quảng Châu, tháng 4/1924, đồng chí cùng với Phạm Hồng Thái gia nhập Tâm Tâm Xã và tham gia hoạt động, phát triển Tâm Tâm Xã thành một tổ chức hạt nhân cách mạng. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện này, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau đó, theo sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 8/1924, đồng chí Lê Hồng Phong được nhận vào học ở trường sĩ quan quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Cuối năm 1925, đồng chí vào học tại trường hàng không Quảng Châu. Tại đây, tháng 2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Do có thành tích học tập xuất sắc, tháng 10/1926, đồng chí lại được cử sang Liên Xô theo học tại trường Lý luận quân sự không quân ở Leningrad. Tháng 12/1927, đồng chí tiếp tục học tại trường đào tạo phi công quân sự ở Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá đào tạo phi công, tháng 10/1928, đồng chí lại được cử đi học ở trường đại học Cộng sản Phương Đông 3 năm, tại đây, đồng chí trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong từ Liên Xô về Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ liên hệ với các tổ chức cách mạng trong nước, khôi phục phong trào cách mạng, khôi phục Đảng. Tại vùng biên giới Việt - Trung, Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc được với một số tổ chức đảng, qua đó từng bước gây dựng lại phong trào.

Đầu năm 1932, đồng về Quảng Tây gần biên giới Việt – Trung và chắp nối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Chi v.v…tìm cách xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng; mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng; cử các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn đi phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng quần chúng ở Hải Phòng, Quảng Ninh v.v.

Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản kết thúc, Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải (Trung Quốc). Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng đã thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Người bạn đời của đồng chí là Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Lúc này, trên cương vị Uỷ viên Thường vụ Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển Mặt trận Nhân dân phản đế, thành Mặt trận Dân chủ nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi dân sinh, dân chủ và chống phát xít.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội “lang thang” và “sử dụng thẻ căn cước giả”. Lê Hồng Phong rơi vào tay quân thù khi Nguyễn Thị Minh Khai- người đồng chí, người vợ của mình đang mang thai.

Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, biết rõ vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong, Thống đốc nam kỳ đã ra Nghị định số 5654 trục xuất đồng chí khỏi Nam Kỳ; buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Mặc dù bị quản thúc rất gắt gao, nhưng đồng chí Lê Hồng Phong vẫn không nản chí, thường xuyên bí mật liên hệ với tổ chức.

Không “yên tâm” về sự tự do của người cộng sản Lê Hồng Phong, tháng 1/1940, Bọn mật thám sát đã bắt đồng chí lần thứ hai và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Đồng chí bị bắt lần này khi vợ mình- Nguyễn Thị Minh Khai vừa sinh con gái. Nén đau thương, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã gửi con gái Lê Nguyễn Hồng Minh khi chưa đầy tháng tuổi cho một cán bộ của Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn chăm sóc để tiếp tục hoạt động cách mạng.

 Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn nhằm phép đồng chí Lê Hồng Phong mức án tử hình. Nhưng gần một năm giam giữ, tra khảo dã man, thực dân Pháp vẫn không kiếm được một cớ nào để kết tội tử hình đối với đồng chí Lê Hồng Phong. Tháng 7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt giam. Biết Nguyễn Thị Minh Khai là vợ Lê Hồng Phong và hai người mới có một đứa con gái nhỏ, bọn mật thám Pháp đã đưa Nguyễn Thị Minh Khai đến gặp Lê Hồng Phong hòng lung lạc tình cảm hai người, để từ đó lấy cớ để kết tội hai người, nhưng chúng đã thất bại. Tháng 8/1940, bọn địch vẫn buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong với tội danh “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại. Trong những ngày bị đầy ải ở nhà tù Côn Đảo với số tù 9983, Lê Hồng Phong phải làm những việc hết sức nặng nhọc của một tù nhân chính trị.  Đây là khoảng thời gian đồng chí Lê Hồng Phong vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải cùng các đồng chí kiên trì đấu tranh đối mặt với các âm mưu hiểm độc của kẻ thù. Qua một lính gác người Ấn Độ, Lê Hồng Phong biết Nguyễn Thị Minh Khai đã hy sinh anh dũng cùng các bạn chiến đấu, ông đau xót thương trước sự hi sinh của người vợ thủy chung và các đồng chí của mình.

Vừa bị tra tấn, đánh đập, vừa bị bỏ đói nên sức khỏe đồng chí nhanh chóng giảm sút. Đồng chí bị tách giam riêng ở xà lim số 5- một căn hầm tối với chiều dài 2m, chiều rộng 1m, chỉ có một lỗ hổng nhỏ để thông hơi. Bọn địch còn cho đồng chí Lê Hồng Phong ăn cơm nấu từ gạo mốc và cá khô mục. Chế độ cầm tù tàn ác đó đã làm cho Lê Hồng Phong bị kiết lỵ nặng. Ngày 06/9/1942, sau nhiều ngày chống chọi với kẻ thù, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5, nhà tù Côn Đảo.

Đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong cùng với tấm gương chiến đấu, hi sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai- người bạn đời, người đồng chí là những cống hiến lớn lao của một gia đình cách mạng tiêu biểu trong lịch sử cách mạng dân tộc.

Trong mọi hoàn cảnh, dù ở trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng hay trong những năm tháng sống gian khổ trong nhà tù thực dân; đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn thể hiện phẩm chất cách mạng tiên phong, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, là đại diện cho tấm gương của một người cộng sản kiên cường.

Ở tuổi 40, trước lúc hi sinh, lời dặn dò của Lê Hồng Phong đối với những người bạn còn sống mãi với thế hệ cách mạng thôi thúc chúng ta trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với sự hi sinh của đồng chí và các nhà cách mạng tiền bối: Xin chào tất cả các đồng chí, nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn còn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng

Nguyễn Thị Tuyết

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Công an huyện phối hợp với Phòng GD-ĐT và các trường THPT trên địa bàn huyện ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học đường
HUYỆN ĐẠI LỘC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH BHXH, BHYT VÀ BHTN VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN PRIME ĐẠI LỘC NĂM 2024
GIỜ TRÁI ĐẤT 2024 “TIẾT KIỆM ĐIỆN - THÀNH THÓI QUEN”
ĐẢNG ỦY XÃ ĐẠI THẮNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THÔNG TIN THỜI SỰ QUÝ I
Xây dựng Ái Nghĩa đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025: Những nhiệm vụ trọng tâm
ĐẠI LỘC KHAI GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG ĐẢNG VIÊN MỚI KHÓA I
Huyện Đại Lộc tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”
Lãnh đạo huyện Đại Lộc gặp mặt Đoàn văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng
Huyện Đại Lộc thăm, chúc Tết các doanh nghiệp đầu xuân Giáp Thìn 2024
ĐẦU TƯ 64,5 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG KÈ TẠI THÔN PHÚ NGHĨA, XÃ ĐẠI AN
    
1   2   3   4   5   6   7   8  
    
Các tin cũ hơn:
Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa II
Đại hội đại biểu thành viên HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027
Đoàn công tác huyện Đại Lộc thăm và tặng quà tại huyện kết nghĩa Nam Giang
Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7 HĐND huyện tại xã Đại Nghĩa
Đại Lộc triển khai bồi dưỡng chính trị hè năm 2022
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG (07/8/1912-07/8/2022) ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG VỚI ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠI LỘC
Đại Lộc: kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW tại Đảng ủy xã Đại Đồng
Gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
Đại Lộc tổ chức gặp mặt người có công tiêu biểu
Lãnh đạo huyện viếng hương tại Bia Tưởng niệm Đoàn Pháo binh 577 (xã Đại Chánh)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10